U máu anh đào (Cherry hemangiomas)
U máu anh đào (Cherry hemangiomas)
1. Đại cương
Phát ban đa dạng ở phụ nữ mang thai hay còn gọi là sẩn, mảng, mày đay và ngứa ở phụ nữ mang thai (pruritic urticarial papules and plaques of pregnancy- PUPPP) là tình trạng rối loạn viêm lành tính, hay gặp ở phụ nữ mang thai ở những tuần cuối thai kỳ hoặc ngay sau sinh. Trước đây tình trạng này còn được gọi là phát ban nhiễm độc ở phụ nữ mang thai hay phát ban nhiễm độc của Bourner khi mang thai.
2. Dịch tễ học
Phát ban đa dạng ở phụ nữ mang thai khá hay gặp, tỷ lệ mắc khoảng từ 1 đến 2 trên 160 phụ nữ mang thai tùy theo nghiên cứu. Trong đó một phần ba các bệnh nhân mắc phát ban đa dạng là chưa từng mang thai.
3. Sinh bệnh học
Nguyên nhân gây bệnh của phát ban đa dạng hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Có giả thiết cho rằng khi mang thai, việc tăng nhanh kích thước vòng bụng và các vùng xung quanh gây kéo căng mô liên kết dẫn đến phơi nhiễm các kháng nguyên của da và gây ra đáp ứng viêm của cơ thể. Vai trò của hormon sinh sản trong sinh bệnh học của phát ban đa dạng ở phụ nữ mang thai chưa được chứng minh.
Một giả thiết khác là phát ban đa dạng do phản ứng miễn dịch đối với kháng nguyên bào thai lưu hành. Xuất phát từ một nghiên cứu đã chứng minh vật chất di truyền DNA của thai nhi trong các tổn thương da của người mẹ và phụ nữ mang thai nam hay mắc tình trạng này nhiều hơn.
4. Biểu hiện lâm sàng
Phát ban đa dạng ở phụ nữ mang thai thường xảy ra ở phụ nữ mang thai lần đầu, bệnh thường gặp ở 3 tháng cuối thai kỳ (sau 35 tuần) và có thể sau sinh. Giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ có thể gặp nhưng rất hiếm.
Biểu hiện lâm sàng đặc trưng là cảm giác ngứa dữ dội và sẩn đỏ xuất phát từ các vết rạn da. Rạn da vùng bụng là vị trí đầu tiên hay gặp nhất, sau đó lan rộng ra chân, ngực, lưng, mông… kèm theo các mảng sẩn phù. Các vùng như mặt, lòng bàn chân, lòng bàn tay, quanh rốn thường không có tổn thương. Quầng trắng xuất hiện quanh các sẩn đỏ ở bệnh nhân type da sáng màu. Hơn một nửa các trường hợp có thể xuất hiện các tổn thương đa dạng hơn như tổn thương hình bia bắn, mụn nước…
5. Cận lâm sàng
- Mô bệnh học: Thượng bì không có biến đổi hoặc biến đổi ít, tăng sản nhẹ, xốp bào, á sừng. Trung bì nông và sâu có sự xâm nhập của tế bào lympho và bạch cầu đa nhân ái toan ở quanh mạch và khoảng kẽ.
- Hóa mô miễn dịch: giúp quan sát rõ hơn sự thâm nhiễm tế bào lympho trong đó chủ yếu là lympho T hỗ trợ cùng với tăng số lượng tế bào tua gai CD1a+, CD54+ (ICAM-1+).
- Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp: thường âm tính, một vài trường hợp lắng đọng không đặc hiệu C3, IgM hoặc IgA ở vùng nối trung- thượng bì hoặc quanh mạch máu.
6. Chẩn đoán
Dựa vào lâm sàng là chính, sinh thiết da, xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang trong trường hợp tổn thương không điển hình và cần loại trừ các bệnh lý khác.
7. Chẩn đoán phân biệt
- Pemphigoid thai kỳ: giai đoạn đầu có thể biểu hiện chỉ sẩn phù giống mày đay, tổn thương thường xuất hiện quanh rốn và miễn dịch huỳnh quang trực tiếp lắng đọng C3 có thể kèm IgG thành dải dọc màng đáy.
- Hồng ban đa dạng: tổn thương hình bia bắn, tuy nhiên ít gây ngứa dữ dội, có thể tổn thương cả niêm mạc, lòng bàn tay, bàn chân, đi kèm các triệu chứng toàn thân khác.
8. Điều trị
Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng.
- Tại chỗ: Corticoid bôi mức độ trung bình đến mạnh (từ nhóm 2 đến nhóm 4), sử dụng từ một đến hai lần trong ngày, tuy nhiên không nên lạm dụng gây tác dụng phụ hấp thu toàn thân. Đã có nghiên cứu chứng minh việc sử dụng quá 300g corticoid tại chỗ loại mạnh và rất mạnh trong toàn bộ thai kỳ có thể liên quan đến tăng nguy cơ trẻ nhẹ cân sau sinh.
- Toàn thân: Sử dụng kháng histamin an toàn cho phụ nữ mang thai để kiểm soát triệu chứng ngứa. Corticoid có thể cân nhắc sử dụng nhưng chỉ dùng ngắn ngày để giảm nhanh triệu chứng
9. Tiên lượng:
Phát ban đa dạng ở phụ nữ mang thai thường tồn tại trong khoảng 4 đến 6 tuần và sau khoảng 2 tuần sau sinh, số ít các trường hợp có thể kéo dài hơn. Bệnh không gây ảnh hưởng nguy hiểm đến thai nhi và cũng ít khi tái phát.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Miriam Keltz Pomeranz, Charles J LookWood, Rosamaria Corona, et al. Polymorphic eruption in pregnancy. Uptodate the last updated Oct, 2024.
2. Vjosa A Zejnullahu, Valon A Zejnullahu et al. Polymorphic eruption of pregnancy. Dermatol Report. 2022 Aug 3;15(1):9546.
3. Himeles JR, Pomeranz MK. Recognizing et al. Diagnosing and Managing Pregnancy Dermatoses. Obstet Gynecol. 2022;140(4):679-69.
Viết bài: Ths.BS Lê Thị Hoài Thu - Khoa điều trị bệnh da nữ giới và trẻ em
Đăng bài: Phòng Công tác xã hội
Viêm da dạng herpes (Dermatitis herpetiformis - Duhring-Brocq disease)
Bệnh mạch máu dạng mạng lưới (Livedoid vasculopathy)